Từ khoảng tháng 5 đến tháng 10 hằng năm, các cánh rừng thông ở Đà Lạt lại nhộn nhịp bước chân của người dân và du khách lên rừng săn nấm.
Được mệnh danh là “thành phố ngàn thông”, Đà Lạt sở hữu những đồi thông xanh ngắt reo rì rào, phả trong nắng sớm mùi nhựa thông ngai ngái. Ngoài cắm trại, chụp ảnh, săn nấm ở rừng thông là hoạt động được du khách yêu thích bởi nó đem lại kiến thức và những trải nghiệm rất độc đáo.
Chị Nguyễn Hồng Nhung (30 tuổi, Sài Gòn) vừa có một chuyến săn nấm trong rừng thông dưới chân núi LangBiang. Theo chị Nhung, đúng như “nấm mọc sau mưa”, cứ qua những cơn mưa nặng hạt, sáng hôm sau trời nắng ấm, đó là lúc các loại nấm trong rừng đua nhau mọc lên.
Cùng gia đình trải nghiệm săn nấm, chị Nhung cho biết “thời điểm thích hợp nhất để hái nấm là vào buổi sáng sớm, khi nắng vừa lên”. Lúc đó, nấm đạt chất lượng ngon nhất, cây chưa nở bung sẽ tránh được bị nhũn, mềm. Hành trang chị Nhung và gia đình mang theo rất đơn giản, chỉ gồm giỏ đựng nấm, áo mưa, giày thể thao có độ bám tốt để bảo vệ chân khi di chuyển trong rừng.
Mỗi rừng thông Đà Lạt đều có nấm nhưng số lượng và các loại nấm sẽ khác nhau. Có rừng sở hữu đến hàng trăm loại nấm. Theo chị Nhung chia sẻ, các loại nấm thường thấy nhất ở rừng thông là nấm gan bò, nấm kaki, nấm trứng gà, nấm san hô… Nấm rừng thường mọc tự nhiên dưới gốc thông, nơi ánh sáng chiếu vào. Xác định được một gốc cây có nấm, du khách chỉ cần rảo một vòng xung quanh là sẽ kiếm được rất nhiều vì nấm thường mọc theo cụm.
Tuy nấm là sản vật tự nhiên, săn nấm là một hoạt động kỳ thú bởi không phải ai cũng biết thu hoạch đúng loại nấm. Nấm có đến hàng trăm loại, trong đó có loại ăn được, loại không ăn được vì rất độc.
“Nếu không thực sự am hiểu về nấm, không thường xuyên đi rừng thì cần có một người địa phương có kinh nghiệm lâu năm về nấm đi cùng. Bởi họ sẽ giúp chúng ta phân biệt một số loại nấm độc và nấm ăn được, cũng như dẫn đường tránh bị lạc trong rừng”, chị Nhung lưu ý.
Trong một buổi lên rừng săn nấm, chị Nhung và gia đình đã được biết thêm kiến thức về nấm. Nhiều người lầm tưởng rằng các loại nấm độc là những loại rất đẹp, có màu sắc sặc sỡ. Nhưng thực tế, có những loại nấm độc màu sắc trắng muốt, có loại chỉ cần chạm tay vào cũng có thể nguy hiểm tới sức khỏe. Sau khi chị Nhung chia sẻ một vài tấm hình về các cây nấm độc ở trong rừng thông, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng vì hóa ra để tìm những cây nấm rừng ăn được lại “khó nhằn” đến vậy.
“Ngoài ra, hái nấm cũng phải có kỹ thuật. Khi hái phải nhẹ nhàng, dùng hai ngón tay nắm chắc cây nấm rồi đẩy dứt khoát về một phía”, chị Nhung nói thêm. Thu hoạch nấm như vậy sẽ giúp cây nấm vẫn còn giữ được gốc và tiếp tục nảy nở. Du khách cũng chỉ nên hái những cây nấm vừa và lớn, chừa lại nấm mới và nấm nhỏ để cho những đợt thu hoạch tiếp theo.
Sau khi thu hoạch được những giỏ nấm nặng trĩu, chị Nhung còn cùng gia đình chế biến nấm ngay tại rừng để thưởng thức.
“Sơ chế và nấu cây nấm chính tay mình vừa thu hoạch ngay tại rừng đem lại cảm giác rất thú vị. Khi thưởng thức kiểu này, nấm cũng giữ được chất dinh dưỡng, tươi mới, thơm ngon nhất”, chị Nhung xuýt xoa bày tỏ. Đối với chị, nấm rừng ăn rất giòn, ngọt, đặc biệt là nấm trứng gà, nấm san hô dễ chế biến thành nhiều món như xào tỏi, nấu cháo…
“Sau những buổi hái nấm, hoà mình vào không gian xanh mướt, tinh khôi, ngoài được thưởng thức những món ngon từ đặc sản núi rừng, tôi và gia đình còn có thêm kiến thức thú vị về rừng, về thế giới nấm của Đà Lạt. Không chỉ người lớn mà các con tôi cũng rất thích hoạt động này”, chị Nhung vui vẻ nói.
Lang thang giữa đồi thông xanh hút tầm mắt, đắm chìm trong những cơn gió mát rượi, nắng xiên chéo đất cũng như không khí trong lành của rừng thông là trải nghiệm mê hoặc. Nếu có dịp đặt chân tới Đà Lạt, du khách có thể trải nghiệm săn nấm ở rừng thông hồ Tuyền Lâm, rừng Xuân Thọ, Trại Mát…
Mọi thông tin về đặc sản, du lịch Đà Lạt, quý khách vui lòng liên hệ:
Dacsan.com – Đặc sản của bạn, miền đất của bạn!
Địa chỉ: Chung cư Tây Thạnh, Đường C8, P. Tây Thạnh, Q. Tân Phú, TP Hồ Chí Minh
Website: https://dacsan.com
Hotline: 0901 486 486
Email: trinhcukien@gmail.com